Gia đình ông Đỗ Văn Tỉnh thôn Hiệp Hải, xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên hiện có hơn 1 ha diện tích mặt nước, nuôi chủ yếu các loại cá rô phi, trắm trôi. Với kinh nghiệm nhiều năm nuôi cá, ông Tỉnh cho biết nuôi cá vào mùa Đông gặp nhiều khó khăn bởi trong giai đoạn này thời tiết biến động lớn, sức đề kháng của cá suy giảm nên cá dễ bị nhiễm bệnh.
Đọc thêm: [replacer_a]
Đặc biệt, khi rét đậm, rét hại kéo dài, nếu không chủ động phòng chống rét kịp thời, những loại cá chịu rét kém có thể sẽ bị chết hàng loạt. Vì vậy gia đình ông Tỉnh đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống rét cho diện tích ao nuôi.
Những năm gần đây, nghề nuôi trồng thủy sản ở tỉnh ta phát triển theo hướng ổn định về diện tích, gia tăng năng suất và sản lượng; góp phần quan trọng trong việc giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân. Tuy nhiên, Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh của miền Bắc chịu ảnh hưởng lớn của thời tiết mùa đông. Vì vậy, việc bảo vệ thủy sản nuôi khi thời tiết giá rét có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng Thủy văn Trung ương, thời tiết trong vụ Đông Xuân 2018-2019 miền Bắc có nhiều diễn biến phức tạp; kèm theo các đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ 4-7 ngày có thể gây ảnh hưởng và làm thiệt hại lớn tới sản xuất nuôi trồng thủy sản. Sau đây kỹ sư Vũ Duy Cương - Trưởng phòng Nuôi trồng Thủy Sản, Chi cục Thủy sản Vĩnh Phúc sẽ hướng dẫn bà con nông dân một số biện pháp phòng chống rét cho thủy sản.
Để chủ động bảo vệ thủy sản nuôi, giảm thiểu thiệt hại do thời tiết giá rét gây ra, các hộ nuôi trồng thủy sản cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Đối với các đối tượng thủy sản nuôi đạt kích cỡ thương phẩm nhất là những loài cá có khả năng chịu rét kém như: Cá chim trắng, cá rô phi, cá lóc,… cần thu hoạch sớm trước khi rét đậm, rét hại xảy ra.
- Trong thời gian giá rét, không kéo lưới kiểm tra thủy sản nuôi, không thu hoạch theo cách đánh tỉa thả bù để tránh bị xây xát cho thủy sản nuôi nhằm hạn chế các bệnh đốm đỏ, lở loét do nấm, trùng quả dưa và ký sinh trùng,…
- Đối với diện tích thủy sản đang nuôi (chưa đạt kích cỡ thu hoạch, đàn cá bố mẹ, cá giống) áp dụng một số các biện pháp chống rét sau:
+ Duy trì mực nước ao nuôi đảm bảo độ sâu từ 2m trở lên để ổn định nhiệt độ.
+ Đào hố sâu trong ao từ 2,5-3m, rộng từ 2-3m2 ở nơi khuất gió hoặc phía Bắc để cho cá rút xuống trú đông.
+ Sử dụng sọt đan bằng tre, nứa có chứa các búi rơm làm ổ dìm dưới đáy ao ở phía Bắc để làm nơi trú ẩn và chống rét cho cá.
+ Thả bèo tây từ 1/2-2/3 diện tích mặt ao về phía Bắc (bèo được gom vào một góc ao) tránh thả tràn lan che kín hết diện tích mặt ao, làm giảm độ thoáng của ao sẽ ảnh hưởng đến thủy sản nuôi.
+ Đối với cơ sở nuôi có điều kiện: Làm khung và che phủ bề mặt ao bằng nylon sáng màu để ngăn gió, cách nhiệt không khí, tăng khả năng giữ nhiệt độ cho nước ao nuôi.
+ Đối với cơ sở nuôi cá lồng có thể sử dụng nylon sáng màu để phủ kín mặt lồng nuôi hoặc thả lồng sâu xuống 1,8-2m so với mặt nước để tránh rét cho cá.
+ Cho thủy sản ăn đảm bảo đủ dinh dưỡng; bổ sung vitamin C để tăng cường sức đề kháng. Khi nhiệt độ nước ao nuôi ≤150C thì ngừng cho cá ăn, vào thời điểm nắng ấm trong ngày có thể cho ăn bằng thức ăn tinh, thức ăn chế biến sẵn để cá có đủ dinh dưỡng cần thiết.
+ Định kỳ 2 lần/tháng dùng vôi bột với liều lượng 2-3 kg/100 m3 nước hoặc hóa chất như Iodine, Vicato… liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì để xử lý môi trường và phòng bệnh cho thủy sản nuôi.
+ Người nuôi nên thường xuyên theo dõi diến biến thời tiết, tình trạng sức khỏe thủy sản nuôi và các yếu tố môi trường nhằm phát hiện kịp thời các hiện tượng bất thường và có biện pháp xử lý phù hợp.
Trên đây là một số biện pháp chống rét, chúc bà con áp dụng thành công.